Lần đầu tiên Trần Bích Hương thuyết phục các nhà đầu tư Việt Nam về Epomi, một startup làm đẹp do cô thành lập năm 2014, phản ứng của họ đã khiến cô phải ngạc nhiên.
“Họ nói rằng phụ nữ quá cảm tính để điều hành một công ty và họ không muốn đầu tư những doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu. Đó là một trong những công ty đầu tư mạo hiểm quốc tế hàng đầu ở Việt Nam, nên tôi không ngờ đến sẽ có kết quả này”, cô cho biết.
Trước đó, Trần Hương ít khi gặp khó khăn trong việc thuyết phục đối tác nhìn nhận một cách nghiêm túc về công việc của mình. Cô gái Việt Nam tốt nghiệp với tầm bằng MBA từ Duke và có kinh nghiệm lãnh đạo trong 10 năm tại các công ty đa quốc gia hàng đầu như Samsung và GSK, Trần Bích Hương có quãng thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh.
Thời điểm cô trình bày bài phát biểu của mình trước các nhà đầu tư, Epomi đã có tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng, lượng khách hàng ủng hộ lớn mạnh, nhiều hợp đồng với những nhà cung cấp hàng đầu, và một kế hoạch rõ ràng để đưa công ty trở thành nhà dẫn đầu trong thị trường làm đẹp đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Trần Bích Hương dần dần tìm được nhà đầu tư cho startup của mình, nhưng trải nghiệm đầu tiên của cô về việc kêu gọi vốn không phải là điều hiếm gặp ở Việt Nam. Trong cả nền kinh tế phát triển và mới nổi, vấn đề trọng nam khinh nữ vẫn là một thử thách toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với các quốc gia châu Á, Việt Nam đã triển khai khá tốt một số biện pháp để đảm bảo bình đẳng giới. Ví dụ, theo nghiên cứu gần đây của Deloitte, phụ nữ nắm 17,6% vị trí trong hội đồng quản trị ở Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực Thái Bình Dương châu Á, trừ Australia với 20,1%. Nghiên cứu này, theo dõi 64 quốc gia toàn cầu, cũng cho thấy chỉ số này của Việt Nam vượt qua mức trung bình toàn cầu (15%), và nhiều quốc gia phát triển như Singapore (9,4%) và Trung Quốc(9,2%).
Nữ giới cũng chiếm một lượng cổ phần đáng kể tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Việt Nam. Số liệu từ báo cáo năm 2016 của Mekong Business Initiative (MBI), một đối tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Australia, cho biết khoảng 25% SMEs ở Việt Nam có chủ sở hữu là nữ giới. Ngược lại, con số này tại Đông Nam Á chỉ là 8% SMEs.
Một số doanh nghiệp lớn và nổi tiếng ở Việt Nam cũng do nữ giới lãnh đạo. Một trong những ví dụ điển hình nhất là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không giá rẻ Vietjet được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hồi đầu năm nay, nhờ đó giúp bà trở thành nữ tỷ phú duy nhất ở Đông Nam Á.
Các nữ doanh nhân giỏi giang cũng có thể được tìm thấy ở những ngành công nghiệp khác, từ bán lẻ tới nông nghiệp.
